Nhạc phẩm “Lòng mẹ” là sáng tác đầu tay của cố nhạc sĩ Y Vân, nhạc phẩm “Buồn” là sáng tác cuối cùng của người nhạc sĩ quá cố này.
Năm 17 tuổi cố nhạc sĩ Y Vân sáng tác nhạc phẩm đầu tay để tạ ơn người Mẹ đã hết lòng hy sinh vì con, không quản ngại gian lao nuôi con nên người.
Theo lời kể lại của cố nhạc sĩ Y Vân: Vào lúc nửa đêm về sáng, cố nhạc sĩ Y Vân ngủ không được, chợt tỉnh dậy thấy người Mẹ già đang ngồi giặt áo sơ-mi của mình bằng tay, chiếc áo duy nhất hàng đêm thường mặc đi làm của mình.
Từ xúc cảm đó mà cố nhạc sĩ Y Vân đã hoàn thành bản “Lòng Mẹ”:
“Lòng Mẹ bao la như biển Thái bình rạt rào,
Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào,
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu
Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu.
Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ.
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ
Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ
Thương con thao thức bao đêm trường, con đã yên giấc
Mẹ hiền vui sướng biết bao
Thương con khuya sớm bao tháng ngày
Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn
Dù cho mưa gió không quản thân gầy Mẹ hiền.
Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền
Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm
Tiếng ru êm đềm Mẹ hiền năm tháng triền miên”
Nhạc phẩm “Buồn” được sáng tác trong lúc tác gỉả buồn, cô đơn, không người tâm sự lúc tuổi già, chứ không phải buồn vì “say”. Bởi vì cố nhạc sĩ Y Vân là người không biết uống Bia hay uống Rượu. Sở thích của người nhạc sĩ này là Thuốc Lá và Cà phê Đen. Điếu thuốc lá luôn luôn ở trên môi người nhạc sĩ, không ngưng nghỉ. Nhất là trong lúc ngồi sáng tác hay điều khiển ban nhạc để thu thanh. Từng điều thuốc, đã được chính tay nhạc sĩ vấn từng điếu một, rồi bỏ trong hộp để hút dần. Và để chứng tỏ cho bạn bè biết từng điếu thuốc do tự mình vấn lấy, trên mỗi tờ giấy vấn thuốc đều đóng dấu chữ Y Vân.
Ngoài hai nhạc phẩm nói trên cố nhạc sĩ Y Vân còn sáng tác nhiều nhạc phẩm khác rất hay và nổi tiếng mấy trăm bài. Mỗi nhạc phẩm là một thể loại khác nhau, về Tình yêu, về đời Lính, Thơ phổ nhạc và nhạc chủ đề cho các phim Việt Nam. Nếu có ở gần, hay quen biết người nhạc sĩ tài ba này, có thể nói anh là người sáng tác nhanh nhất, điển hình là khi anh viết nhạc cho Phim. Như phim “Thúy đã đi rồi”, “Xa lộ không đèn”, “Như hạt mưa sa”, “Như giọt sương khuya”, “Hải vụ 709”, cả ba phim sau đều là sản phẩm của hãng phim Việt Ảnh của cố đạo diễn Bùi Sơn Dzuân. Theo chúng tôi được biết cố đạo diễn Bùi Sơn Dzuân và cố nhạc sĩ Y Vân rất tâm đầu ý hợp nên bất cứ phim nào do đạo diễn Bùi Sơn Dzuân thực hiện đều mời nhạc sĩ Y Vân làm nhạc đệm cho phim của minh trước 75 và sau 75.
Chính cố đạo diễn Bùi Sơn Dzuân là người đã đề nghị Xưởng phim Tổng Hợp Thành phố (sau 75) phục hổi tên tuổi Y Vân, vì sau 75 Sở Văn hoá Thông tin của chế độ mới đã không cho những nghệ sĩ của chế độ cũ được sinh hoạt Văn nghệ, nếu muốn cộng tác phải đổi tên.
Như nhạc sĩ Y Vân phải đổi thành Trần Tấn Hậu (tên thật), Bùi Sơn Dzuân đổi thành Lam Sơn và Lê Hoàng Hoa thành Khôi Nguyên. Phải 10 năm sau, chế độ mới, mới đặc biệt phục hồi tên tuổi cho cố nhạc sĩ Y Vân mà không dùng tên Trần Tấn Hậu.
Trong lần gặp gỡ với nhạc sĩ Y Vân năm 1986, hai năm trước ngày tôi vượt biên, tôi có đặt câu hỏi “Nguồn cảm hứng nào dẫn đến anh sáng tác 3 bản Kim, 60 năm cuộc đời, 40-20 theo thể điệu Twist”?
Nhạc sĩ Y Vân cho biết:
“Vào giữa thập niên 60, khi phong trào nhạc Twist từ Mỹ lan tràn đến VN với bản nhạc nổi tiếng “Let’s Twist Again”, đã được quần chúng khán gỉả VN , nhất là giới trẻ đều ưa thích , và đón nhận một cách nồng nhiệt,và hầu như bất cứ buổi Dạ vũ nào, bản nhạc “Let’s Twist Again” cũng được các ban nhạc đánh để mọi người đều kéo nhau ra sàn nhảy. Để đáp ứng với thị hiếu của giới Trẻ VN, ông Nguyễn Tất Oanh, giám đốc nhà Xuất bản và hãng Dĩa Sóng Nhạc đã yêu cầu tôi sáng tác nhạc Việt theo điệu Twist. Và trong tuần lễ không phải đi làm phòng trà , tự nhiên tôi có nguồn cảm hứng để sáng tác các bản “Kim”, “60 năm cuộc đời”, “40 và 20 “. Sau khi tự viết hòa âm cho 3 bản nhạc trên, tôi mang đến nhà xuất bản Sóng Nhạc, và ngay trưa hôm đó ông Nguyễn Tất Oanh đã mời ca sĩ Hùng Cường để thu ngay 3 bản nhạc trên, tôi được trả một số tiền gần một triệu đồng vào thập niên 60. Ngay khi vừa dứt phần thu thanh 3 bản nhạc trên, tôi được ông Oanh mời lên xe hơi để vào Chợ lớn ăn cơm tối và tặng tôi một Đêm Nhất Dạ Đế Vương. Tôi có hỏi nhạc sĩ Y Vân về Nhất Dạ Đế Vương ra sao, anh chỉ mỉm cười, ghé tai tôi nói thật nhỏ là Thần Tiên, đêm đó anh bị mấy cô gái Tàu quần tơi tả cho đến sáng hôm sau mới về .”
Chỉ một tháng sau khi ba nhạc phẩm nói trên được phát trên Đài phát thanh và được Nam ca sĩ Hùng Cường thường xuyên hát trên các sân khấu Đại nhạc hội, nhà Xuất bản Sóng Nhạc đã phải tái bản nhiều lần để đáp ứng nhu cầu của những người yêu Nhạc và tiền lời đã thu vào gấp 10 lần của số tiền trả Đêm Nhất Dạ Đế Vương cho nhạc sĩ Y Vân.
Cho đến nay, tức trên 40 năm sau, 3 nhạc phẩm trên vẫn được quần chúng khán thính gỉa ở Hải ngoại hay quốc nội vẫn ưa thích “Kim”, “60 năm cuộc đời”, “40-20”. Đây là liên khúc nhạc Twist hay nhất, mỗi lần nhạc trổi lên sàn nhảy luôn luôn đông người.
Cũng cần nhắc lại ở đây, khi sáng tác nhạc phẩm “60 năm cuộc đời”, nhạc sĩ Y Vân không hề nghĩ rằng mình sẽ giã từ Cõi Tạm vào năm 60 tuổi. Vâng nhạc sĩ Y Vân đã giã từ Cõi Tạm đúng năm 60 tuổi sau một cơn nhồi máu cơ tim . Và nam ca sĩ Hùng Cường, người đầu tiên trình bày nhạc phẩm “60 năm cuộc đời” cũng giã từ vợ con và bạn bè vào năm 60 tuổi sau một thời gian dài lâm trọng bệnh, do bệnh tiểu đường tàn phá cơ thể anh. Âu đó cũng là định mệnh.